Giải mã mật ngữ khi sử dụng bộ đàm của cảnh sát Mỹ

Chỉ với hai chữ số ngắn gọn, cảnh sát Mỹ có thể đảm bảo liên lạc thông suốt trong gần như mọi tình huống.

Chỉ với hai chữ số ngắn gọn, cảnh sát Mỹ có thể đảm bảo liên lạc thông suốt trong gần như mọi tình huống.

Như mọi ngành nghề khác, cảnh sát cũng có hệ thống thuật ngữ riêng để việc liên lạc nội bộ được nhanh chóng, thuận tiện và bảo mật. Với cảnh sát Mỹ, đây được gọi là hệ thống “mã 10”, chuyên dùng khi liên lạc qua bộ đàm.

Mỗi câu mã trong hệ thống này luôn bắt đầu bằng số 10, theo sau là một số khác ứng với ý nghĩa riêng. Ví dụ như 10-0 là “Chú ý nguy hiểm”, 10-10 là “Đang có ẩu đả” hoặc 10-98 là “Có vụ vượt ngục”. Thay vì phải nói một câu dài như “Tôi đang kiểm tra phương tiện khả nghi ở con phố A” qua radio, khi sử dụng mã 10, cảnh sát sẽ chỉ cần nói hai con số ngắn gọn là "10-37 ở  phố A".

Theo Balance Careers, hệ thống mã 10 xuất hiện vào những năm 1920-1930 khi tần suất sử dụng sóng bộ đàm trong việc liên lạc của cảnh sát ngày càng lớn. Ngay từ khi bắt đầu được cảnh sát sử dụng, người ta đã nhận ra nhu cầu tối ưu hóa các cuộc hội thoại nội bộ qua bộ đàm sao cho súc tích nhất. Charles Hopper – giám đốc liên lạc của Cơ quan cảnh sát bang Illinois, là người đã xây dựng bộ mã 10 đầu tiên.

Trong những ngày đầu của truyền tin vô tuyến điện, chữ đầu tiên của mỗi đoạn hội thoại thường bị cắt bỏ vì máy radio thế hệ cũ phải mất thời gian ngắn ban đầu để khởi động, làm nóng máy. Cảnh sát thường phải chờ một giây sau khi bấm nút để nói. Như vậy, việc nói “mười” trước con số tiếp theo sẽ giúp đảm bảo đối phương nhận được thông điệp đầy đủ. Tuy bộ đàm ngày nay không còn cần thời gian khởi động song bộ mã vẫn được giữ nguyên.

Ở Mỹ không có một bộ mã 10 thống nhất dùng cho mọi cơ quan cảnh sát trên cả nước. Vì thế mà cảnh sát các khu vực khác nhau có thể không hiểu hoặc hiểu nhầm nhau khi liên lạc bằng cách này. Bằng chứng thực tế là khi sự kiện khủng bố ngày 11/9 xảy ra, do không hiểu mã 10 của đối phương mà lực lượng cảnh sát các địa phương có thời gian phản ứng chậm, thiếu sự kết dính.

Năm 2006, chính quyền Mỹ khuyến nghị lực lượng thực thi pháp luật dừng sử dụng mã 10 mà chuyển sang dùng ngôn ngữ bình thường. Tuy vậy tới nay mã 10 vẫn được sử dụng phổ biến.

Gần đây, một số phòng cảnh sát đang thử nghiệm chuyển sang liên lạc bằng ngôn ngữ bình thường để đảm bảo tính thống nhất giữa các vùng. Nhưng việc chuyển ngôn ngữ còn chậm do nhiều người lo ngại về sự chuyên nghiệp, tính bảo mật và an toàn của người cảnh sát khi làm nhiệm vụ.

Quốc Đạt